Răng có cấu tạo (cơ bản) làm 3 phần, men răng ở ngoài cùng, ngà răng ở giữa và trong cùng là tủy răng.
Men răng và ngà răng rất cứng chắc, giúp bảo vệ "phần lõi" là tủy răng ở trong cùng. Tủy răng là một tổ chức các mạch máu phức tạp, kết nối với hệ thống thần kinh (mặt). Tủy răng có hai nhiệm vụ chính là giúp nuôi dưỡng cho răng khỏe mạnh và dẫn truyền cảm giác của răng.
Theo đó, mòn răng được hiểu là tình trạng mòn tổ chức cứng của thân răng: men và ngà. Có hai vị trí của răng hay mòn nhất là mặt nhai và cổ chân răng. Khi răng bị mòn quá mức sẽ ảnh hưởng đến chức năng cơ học (ăn nhai) và cả chức năng thẩm mỹ.
Dưới tác động cơ học như việc ăn nhai, hoặc đánh răng quá mạnh hay dưới tác động của hóa học (như những chất gây mòn răng), răng luôn có xu hướng bị mài mòn. Tuy nhiên, ở những răng khỏe mạnh (còn tủy sống) tính chất tái khoáng của răng luôn luôn diễn ra. Với người trẻ, quá trình mòn răng và tái khoáng gần như luôn được cân bằng để tạo ra sự khỏe mạnh của răng.
Theo độ tuổi, răng cũng sẽ dần bị lão hóa giống như các bộ phận khác của cơ thể, sự tái khoáng này diễn ra chậm hơn hoặc thậm chí không diễn ra nữa. Độ tuổi lão hóa răng thường ở khoảng ngoài 50. Răng bị mòn nhiều nhất ở mặt nhai - nơi chịu lực chính trong quá trình ăn nhai.
Một vị trí hay bị mòn nữa là ở cổ chân răng. Vị trí này bị mòn là do tác động của việc đánh răng không đúng cách: đánh răng theo chiều ngang, đánh quá mạnh và với bàn chải cứng. Mòn cổ chân răng diễn ra ở bất kỳ độ tuổi nào khi việc thực hiện đánh răng không đúng cách.
Nghiến răng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mòn răng.
Việc hay ăn những thức ăn chứa axit như đồ chua thường xuyên cũng sẽ thúc đẩy quá trình mài mòn răng diễn ra nhanh hơn.
Khi răng bị mòn quá mức thì sẽ ảnh hưởng tới việc ăn uống. Cụ thể là khi ăn những thực phẩm nóng lạnh hay chua thì những chỗ mòn sẽ bị ê buốt.
Mòn răng quá mức đôi khi còn dẫn đến tình trạng tủy răng bị tổn thương và có thể gây chết tủy.
Răng là tổ chức không có khả năng tự tái tạo mạnh mẽ như các bộ phận khác trên cơ thể. Cơ chế tái khoáng hóa của men răng cũng chỉ diễn ra rất chậm và ở những người trẻ tuổi.
Mòn răng không có thuốc chữa trị. Nhưng điều trị mòn răng là hoàn toàn có thể.
Đối với những răng bị mòn cổ chân răng sẽ được trám hồi phục phần men răng bị mòn.
Đối với những răng mòn mặt nhai thì cách phục hồi sẽ là bọc mão răng sứ. Không thể trám cho răng mòn mặt nhai được vì sẽ ảnh hưởng tới khớp cắn.