Câu hỏi của em cũng là một thực tế mà chúng tôi thường gặp hàng ngày trong quá trình điều trị.
Răng số 6 là một răng rất đặc biệt. Răng này mọc lên trực tiếp là răng vĩnh viễn từ rất sớm (khoảng 6 tuổi) mà không cần thay thế qua răng sữa.
Nó là một trong những răng ăn nhai chính của hàm răng và cùng với nhóm răng nanh, nhóm răng số 6 có tác dụng như những "cột trụ" giúp định hình sự ổn định của hàm răng.
Tuy nhiên, bởi vì nó được mọc "quá sớm", mọc vào giai đoạn còn là trẻ em nên sự giữ gìn vệ sinh răng miệng gần như rất "tệ", nó lại là răng hàm nhai có bề mặt lớn với nhiều múi rãnh nên thường bị sâu từ rất sớm. Sâu răng số 6 dần tiến triển khá nhanh và, thật tệ, tới khoảng 14 tuổi thì răng này có khi đã bị sâu gần hết.
Đến lúc này, bệnh nhân đủ trưởng thành để "giật mình" nhận ra sự nguy hại của tình trạng này thì có khi cũng đã hơi muộn. Răng 6 này lúc đó đã bị sâu tới mức mà phải nhổ bỏ.
Đây là tình trạng rất thường gặp với răng số 6.
Khi răng số 6 này nhổ bỏ thì lúc này chúng ta sẽ có hai sự lựa chọn để hồi phục nó.
Cách thứ nhất mà cả bác sĩ và bệnh nhân đều nghĩ tới đầu tiên là "làm cách nào" để kéo nhóm răng bên trong, là răng số 7 và răng số 8 ra bên ngoài để thay thế.
Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, một trong những yếu tố đầu tiên để phương pháp điều trị này thành công là răng số 8 phải mọc thẳng.
Thực tế thì răng số 8 lại thường bị kẹt, bị nghiêng trong góc hàm nên việc di chuyển nó ra trong tình huống này sẽ rất khó khăn. Đôi khi là bất khả thi
Có một điều thú vị rằng, răng số 8 chính là răng dự trữ của người tiền sử. Ở người tiền sử, do không biết giữ răng nên thường mất răng từ rất sớm. Đặc biệt là những răng hàm số 6 và số 7. Vì vậy, răng số 8 dự trữ thường được mọc lên (khi con người khoảng 18 tuổi trở lên) để thay thế cho răng số 6 số 7 đã bị mất đi. Điều này mang ý nghĩa sống còn đối với người tiền sử thời bấy giờ.
Một vấn đề nữa cần phải "đối mặt" là việc di chuyển nhóm răng lớn có nhiều chân như răng 7 và răng 8 là rất khó khăn và tốn rất nhiều thời gian. Để di chuyển nhóm răng cửa chỉ có một chân đôi khi rất nhanh (trong niềng răng lệch), nhưng phải mất cả năm mới có thể di chuyển được răng 7 và răng 8 ra bên ngoài.
Cũng bởi vì răng này lớn, chịu lực ăn nhai thường xuyên nên "hành trình di chuyển" nhóm răng này ra trong cả năm như vậy sẽ thương mang lại cảm giác "rất ê ẩm" và ảnh hưởng rất nhiều tới việc ăn uống trong suốt hành trình này của bệnh nhân.
Một vấn đề nữa, chi phí để di chuyển răng 7 răng 8 ra ngoài cũng không hề rẻ. Thường thì chi phí sẽ tương đương với việc chỉ cắm 1 trụ implant để hồi phục lại cho răng số 6.
Việc cắm implant hồi phục sẽ là lựa chọn số 2. Lựa chọn này xem ra "khả thi" hơn khá nhiều so với lựa chọn thứ nhất. Việc cấy ghép một trụ implant được thực hiện sẽ khá đơn giản, thời gian nhanh chóng và hầu như là không đau (đây có thể là "chuyện" mà nhiều người sợ nhất - chỉ nghĩ tới việc cấy ghép đã muốn xỉu rồi) - nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Việc cấy ghép implant quả thực, không hề đau.
Cuối cùng, implant ngày càng trở nên phổ biến nên chi phí thực hiện nó cũng ngày càng "dễ chịu", thậm chí không muốn nói là ngày càng "rẻ"
Độ bền của trụ implant - theo nhiều minh chứng khoa học - hoàn toàn có thể so sánh với một răng thật. Độ bền của nó gần như là theo suốt cuộc đời của người sử dụng.