Chào em,
Để giải thích cho em dễ hiểu về việc này, trước hết, em hãy tìm hiểu sơ qua một chút về cấu tạo của răng và thế nào là tủy răng, kỹ thuật chữa tủy như thế nào nhé.
Răng có cấu tạo (cơ bản) làm 3 phần, men răng ở ngoài cùng, ngà răng ở giữa và trong cùng là tủy răng.
Men răng và ngà răng rất cứng chắc, giúp bảo vệ "phần lõi" là tủy răng ở trong cùng. Tủy răng là một tổ chức các mạch máu phức tạp, kết nối với hệ thống thần kinh (mặt). Tủy răng có hai nhiệm vụ chính là giúp nuôi dưỡng cho răng khỏe mạnh và dẫn truyền cảm giác của răng.
Khi men răng và ngà răng bị phá hủy do sâu (hoặc gãy, vỡ do va đập) thì tủy răng sẽ lộ ra ngoài và gây đau nhức. Nguyên nhân đau nhức lúc này là tủy bị nhiễm trùng. Cảm giác đau lúc này khá dữ dội vì tủy răng kết nối trực tiếp với thần kinh cảm giác nên sự dẫn truyền đau rất mạnh.
Khi tủy răng đã bị nhiễm trùng gây đau nhức như vậy thì cách duy nhất là chữa tủy.
Chữa tủy là gì? Chữa tủy là một hoạt động điều trị (gồm nhiều công đoạn, thao tác) nhằm loại bỏ hoàn toàn tủy răng đã bị nhiễm trùng. Vì tủy răng có cấu tạo khá phức tạp nên việc này khá khó khăn và mất nhiều thời gian (đó là lý do giải thích tại sao việc chữa tủy lại lâu như vậy)
Chữa tủy về cơ bản có 2 kỹ thuật: 1 là gây tê, chữa tủy trực tiếp; 2 là đặt thuốc cho chết tủy rồi sẽ lấy tủy chết đó đi vào lần hẹn sau. Cách thứ nhất thường được bác sĩ áp dụng nhiều hơn vì nó giúp rút ngắn thời gian điều trị và thực ra thì - thuốc diệt tủy - thường sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Cho nên, chỉ một vài trường hợp bác sĩ mới đặt thuốc cho chết tủy rồi lấy sau.
Khi tủy răng đã được loại bỏ hoàn toàn, chữa tủy thành công thì răng lúc này mới hết cảm giác đau. Thực chất, lúc này, răng đã bị "chết" theo đúng nghĩa đen.
Sau khi hoạt động chữa tủy - bằng mọi phương pháp - không thành công thì bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật gần như là cuối cùng trong hoạt động điều trị tủy răng là phẫu thuật cắt chóp và trám ngược. Có nghĩa là, thông qua phẫu thuật phía nướu, bác sĩ sẽ tìm tới chân răng và cắt đi phần chóp của chân răng. Kỹ thuật này sẽ giúp loại bỏ sự nhiễm trùng đã thoát ra khỏi chóp chân răng, lan rộng ra xương ổ răng.
Kỹ thuật này đôi khi cũng thất bại.
Quay trở lại trường hợp của em, theo hình ảnh fim thì kỹ thuật này đã thất bại hoàn toàn. Tổ chức nhiễm trùng đã tạo ra nang khá lớn. Nang là phần màu đen, thấu quang mà em có thể nhìn thấy ngay chóp của chân răng.
Cũng chính nang đã hình thành quá lớn mà dịch mủ sẽ tìm cách thoát ra phía bên ngoài. Khi thoát ra tới nướu thì bị giữ lại, tạo nên một dạng như túi. Đó thực chất là túi mủ, hay còn gọi là áp xe.
Lúc này em không có cảm giác đau là vì sự nhiễm trùng này đã trở thành mãn tính và tổ chức dịch đã phần nào thoát ra ra được phía bên ngoài, có nghĩa là áp suất do dịch này đã được giải phóng.
Tuy nhiên, vì nang quá to, xương ổ răng đã bị phá hủy rất nhiều nên răng này sẽ không còn giữ được nữa mà phải được nhổ bỏ. Trong trường hợp này nên nhỏ bỏ càng sớm càng tốt, để tránh sự nhiễm trùng này lan rộng ra hơn nữa
Trong giới hạn của bài viết Tư vấn, chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho em một vài thông tin như vậy. Nếu thuận tiện, em hãy ghé phòng khám để bác sĩ khám trực tiếp và có tư vấn chi tiết, chính xác hơn cho em về kế hoạch điều trị. Khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Thân chào em,
Bs Trần Mừng - 0938999126