Chào bác sĩ, cháu năm nay 23 tuổi,cách đây 6 năm, cháu có 1 răng số 7 hàm dưới bị sâu gây đau nhức nên đã trám răng không lấy tủy, đến khoảng đầu năm 2015 thì nó bị vỡ khoảng 3/4 và cháu nhận thấy không thể chụp mão răng sứ được vì thân răng còn quá ít, trong phần thân răng đó cháu thấy màu đen, ăn nhai vẫn bình thường cho đến khi cách đây 3 tháng lớp màu đen tróc đi gần hết nên khi ăn thì thấy rất thốn tại cây răng đó. Khoảng 3 ngày nay, cháu nhức răng dữ dội tại cây răng bị vỡ đó, đến mức không ngủ được, lan sang cả hàm dưới, cháu uống thuốc giảm đau và thuốc ngủ mới ngủ được, cách đây gần 2 năm, hàm dưới bên phải của cháu cũng đã nhổ 2 răng số 4 và số 5 vì đã bị vôi hóa( do lấy tủy và trám 4 năm rồi), gãy đôi theo chiều dọc thân răng. Cháu không muốn mất thêm răng nữa vì còn quá trẻ, hàm trên răng số 7 cũng đã bị vỡ 1/4 nên mỗi khi ăn xong lại phải dùng tăm để xỉa thức ăn thừa trong lỗ trống, cháu biết có phương pháp Implant nhưng tốn kém và cháu cũng bị tiêu xương nhiều khi nhổ 2 cây răng cối nhỏ được gần 2 năm rồi.
Trần Bửu Long
TRẢ LỜI
Khi bạn gặp phải tình trạng tương tự và nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về nó, đừng ngần ngại, hãy đặt câu hỏi cho bác sỹ TẠI ĐÂY. Hoặc comment Tại đây. Hoặc call Hotline: 0938 999 126.
Hãy cho chúng tôi biết băn khoăn của bạn, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để cùng với bạn tìm ra đáp án cho bạn. Biết là khó, không dễ dàng gì cả! Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể.
Trước hết xin chia sẻ với tình trạng hàm răng hiện tại của em. Quả thực, ở tuổi 23 mà đã bị bể, mất nhiều răng như vậy thì thật sự đáng tiếc.
Theo miêu tả thì của em tạm chia ra 3 vấn đề cơ bản như sau:
1. Răng số 7 hàm trên bị bể 1/4. Răng này em cần đi nha sĩ kiểm tra cụ thể tình trạng. Nếu sâu chưa tới tủy thì có thể trám hoặc bọc sứ lại. Nếu đã sâu tới tủy thì sẽ được chữa tủy, sau đó bọc sứ lại. Răng này cần được thăm khám và điều trị nhanh nhất có thể, để tránh tình trạng răng bể thêm trầm trọng hơn.
2. Răng số 7 hàm dưới. Theo miêu tả thì răng chỉ còn chân và đang đau nhức, sưng do tình trạng viêm nhiễm. Răng này cần được nhổ để tránh tình trạng viêm nhiễm gây tổn hại thêm cho nướu và xương ổ răng cũng như xương hàm ở bên dưới.
3. Răng số 4 và răng số 5 hàm dưới đã nhổ rồi. Bây giờ cộng thêm răng số 7 đã nhổ nữa thì có nghĩa là em sẽ bị mất 3 răng. 3 răng mất này giờ em sẽ có hai sự lựa chọn là làm cầu răng sứ hoặc cấy ghép implant.
Implant là phương pháp trồng răng tốt nhất vì nó không phải tác động tới răng bên cạnh. Hiện nay phương pháp này ngày càng trở nên phổ biến và giá thành cũng không còn quá đắt như trước nên em hoàn toàn có thể cân nhắc để lựa chọn điều trị.
Khi bị mất một (hoặc nhiều răng), với kỹ thuật nha khoa hiện tại bây giờ có 2 cách để trồng lại (cố định) răng bị mất: cầu răng sứ và cấy ghép implant. (ngoài ra còn cách làm răng giả tháo lắp - cách này chỉ áp dụng khi bị mất quá nhiều răng và thường áp dụng điều trị cho người lớn tuổi).
Implant. Là một trụ bằng Titannium (kim loại sinh học) được đặt vào xương hàm nhằm thay thế cho một răng mất. Sau khi Implant được đặt vào vùng mất răng, xương sẽ tự bám vào quanh thân Implant giúp nó dính chặt vào xương hàm giống như một răng thật.
Implant được thiết kế để nâng đỡ cho một răng sứ bên trên, nâng đỡ cho 1 cầu răng hoặc giúp cố định hàm giả toàn hàm vào xương hàm.
Implant là phương pháp tối ưu, nhưng vì giá của phương pháp này tương đối cao (tùy vào từng loại Implant có giá từ 800 đến 1200 USD/trụ implant) nên không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện.
Thời gian để thực hiện một ca cấy ghép implant trung bình khoảng 45 phút/1 trụ implant. Sau đó, bệnh nhân sẽ thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, chờ trong khoảng ít nhất là 2 tháng để implant tích hợp vào xương. Lúc này mới có thể thực hiện phục hình răng sứ trên implant.
Để tìm hiểu thêm thông tin về implant, bạn có thể tham khảo thêm tại đây
Cầu răng sứ. Cầu răng được dùng để thay thế một hay nhiều răng thật bị mất, bằng cách bắc cầu giữa hai răng. Cầu răng là một kiểu răng giả, gồm một nhịp cầu được nối với hai mão răng hai bên để thay thế răng mất.
Hai mão trên hai răng trụ kế bên vùng mất răng được gắn dính và giữ chặt nhịp cầu trên các răng hai bên. Phương pháp này có thể thực hiện cho cả nhóm răng cửa và nhóm răng hàm.
Mất răng là một tình trạng rất tồi tệ, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe cơ thể nói chung. Việc trồi lại răng bị mất khá tốn kém. Vì vậy, để tránh không bị sâu bị mất răng nữa thì em nên có một kế hoạch chăm sóc răng khoa học và cẩn thận hơn.
Việc chăm sóc răng khoa học được thể hiện bằng việc đánh răng ngày 2 lần sáng và tối. Việc đi cạo vôi răng 6 tháng một lần cũng rất quan trọng và cần thiết để có một hàm răng khỏe mạnh.
Tất cả những răng chớm sâu thì đều được trám lại càng sớm càng tốt, bởi vì sâu răng là bệnh diễn biến nặng hơn theo thời gian.
Trong giới hạn của bài viết Tư vấn, chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho em một vài thông tin như vậy. Nếu thuận tiện, em hãy ghé phòng khám để bác sĩ khám trực tiếp và có tư vấn chi tiết, chính xác hơn cho em về kế hoạch điều trị. Khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.