Một hàm răng nhựa giả nằm ở đoạn cuối khí quản của anh L.V.M. (32 tuổi, TP Vũng Tàu) vừa được các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM gắp ra khỏi đường thở.
Ngày
25-10, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Trưởng Trung tâm chăm sóc hô hấp
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết đầu tháng 6-2012 anh M. đến
khám tại Trung tâm chăm sóc hô hấp vì thường xuyên khò khè, ho khạc đàm
nhiều, khó thở, khoảng 2-3 cơn/ngày.
Bệnh
nhân từng đến khám và xét nghiệm đàm tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
nhưng không ghi nhận lao. Sau đó, anh M. được chẩn đoán và điều trị như
hen suyễn nhưng không giảm.
Khi
khám bệnh, bác sĩ thấy phổi của anh M. có ran ngáy, đo hô hấp ký cho
thấy tắc nghẽn nặng đường dẫn khí, không đáp ứng với thuốc giãn phế
quản... Anh M. được chẩn đoán viêm phế quản phổi.
Sau
ba tháng điều trị các triệu chứng ho, khó thở, khò khè của anh M. chỉ
giảm ít nên bác sĩ chỉ định cho nội soi phế quản, chụp CT scanner và
phát hiện có dị vật là hàm răng nhựa giả tại đoạn cuối khí quản - phế
quản gốc phải.
Ngày
20-10, anh M. tái khám tại Trung tâm chăm sóc hô hấp để được theo dõi
sau thủ thuật thì thấy hết hẳn các triệu chứng bệnh, chức năng phổi cải
thiện tốt.
Anh M. cho biết sáu năm trước anh bị tai nạn giao thông, vỡ
xương hàm, được cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng từ đó thấy
mất răng giả, nhưng anh cứ nghĩ do răng giả rơi ra ngoài lúc gặp tai
nạn.
Theo
PGS Tuyết Lan, với một người bệnh khó thở, khò khè, khi đã loại trừ các
nguyên nhân khác, bác sĩ nên nghĩ đến dị vật đường thở bỏ quên.
Bệnh
nhân cũng cần chú ý những sự kiện nghi ngờ liên quan đến hóc dị vật, tai
nạn, hôn mê... và trình bày cho bác sĩ điều trị biết để được chẩn đoán
kịp thời, chính xác nguyên nhân bệnh.