Những đại dịch góp phần thay đổi lịch sử nhân loại
Khi một dịch bệnh xuất hiện trên toàn cầu hoặc trên một khu vực địa lý rộng lớn, vượt qua biên giới quốc gia, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ của nhiều người, nó sẽ trở thành đại dịch. Trên thực tế, sự ảnh hưởng của dịch bệnh cũng góp phần lớn thay đổi lịch sử nhân loại.
Bức tranh "Bệnh dịch thành Athens" của cố hoạ sỹ nổi tiếng người Bỉ Michiel Sweerts (1652-1654).
Cuộc
sống của con người ngày càng văn minh hơn, các tuyến giao thương hay
các cuộc chiến mở rộng lãnh thổ đã khiến các loại dịch bệnh dễ dàng lây
lan nhiều hơn. Cùng điểm lại những đại dịch tồi tệ nhất đã góp phần thay
đổi lịch sử nhân loại.
Dịch bệnh Athens (năm 430 trước Công nguyên)
Dịch
bệnh Athens là đại dịch đã tàn phá thành phố Athens, Hy Lạp cổ đại
trong Chiến tranh Peloponnesian (430 TCN). Khi bị Sparta tấn công, nhiều
người từ nông thôn kéo về thành Athens lánh nạn. Quá tải về dân số, các
khu vực cư dân nghèo, vệ sinh kém, thiếu hụt thực phẩm và y tế... là
các điều kiện thuận lợi để một loại bệnh truyền nhiễm phát sinh và nhanh
chóng lây lan khắp thành.
Dịch bệnh Athens có các triệu chứng
giống thương hàn, bao gồm, sốt, khát nước, cổ họng và lưỡi chảy máu, da
đỏ và bị tổn thương. Dịch bệnh đã làm suy giảm đáng kể dân số thành
Athens, trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên thất
bại của họ trước người Sparta.
Trước khi gây ra cái chết cho hơn 2/3 dân số Athens, dịch bệnh này đã xuất hiện ở Libya, Ethiopia và Ai Cập.
Bệnh dịch hạch Antonine (năm 165 sau Công nguyên)
Bệnh
dịch hạch Antonine còn được gọi là bệnh dịch hạch Galen, đặt theo tên
của một bác sĩ Hy Lạp sống ở La Mã, người đã mô tả lại biểu hiện của căn
bệnh này. Các học giả đã nghi ngờ đây là sự xuất hiện sớm của bệnh đậu
mùa. Căn bệnh xuất hiện đầu tiên ở người Huns, sau đó lây nhiễm cho các
binh sỹ La Mã và tiếp tục lan rộng khắp đế chế La Mã qua các cuộc chiến.
Các
triệu chứng bệnh bao gồm sốt, đau họng, tiêu chảy và xuất hiện các vết
loét đầy mủ. Bệnh dịch này thường xuyên bùng phát trở lại đến năm 180
sau Công nguyên.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra được
nguyên nhân thực sự gây ra căn bệnh này. Dịch bệnh đã khiến khoảng hơn 5
triệu người tử vong, tàn sát quân đội La Mã, trong đó có Hoàng đế La Mã
Marcus Aurelius.
Hình
ảnh Tử thần đang phá một cánh cửa trong thời gian bệnh dịch hạch hoành
hành ở Rome (Italy) được khắc bởi hoạ sỹ Jules-Elie Delaunay. (Nguồn:
Wikipedia)
Bệnh dịch hạch Cyprian (năm 250 sau Công nguyên)
Bệnh
được đặt theo tên của vị Thánh Cyprian, người được cho là trường hợp
đầu tiên mắc bệnh. Ông đã ghi chép lại những biểu hiện của căn bệnh này
như tiêu chảy, nôn mửa, loét cổ họng, sốt, hoại tử tay và chân.
Các
nhà nghiên cứu cho rằng, bệnh dịch hạch Cyprian xuất phát từ Ethiopia,
vượt qua Bắc Phi vào Rome và lan tới Ai Cập. Người dân ở vùng bị ảnh
hưởng đã di cư đi để tránh dịch bệnh, nhưng họ không hề biết rằng, hành
động đó đã làm cho căn bệnh ngày càng lan rộng.
Trong khoảng 3
thế kỉ sau đó, những đợt bùng phát dịch định kỳ vẫn tiếp tục diễn ra.
Năm 444, bệnh đã xuất hiện tại Anh và cản trở các nỗ lực phòng thủ chống
lại người Picts và người Scotland của người Anh, khiến họ phải tìm sự
giúp đỡ từ người Saxon - những người thống trị lãnh địa này về sau.
Bệnh dịch hạch Justinian (năm 541 sau Công nguyên)
Xuất
hiện đầu tiên ở Ai Cập, bệnh dịch hạch Justinian lây lan khắp Palestine
và Đế quốc Byzantine (nằm ở phía Đông của đế quốc La Mã sau này) rồi
tiến thẳng về Địa Trung Hải.
Bệnh dịch hạch Justinian được ghi
nhận là đợt dịch hạch đầu tiên của nhân loại. Bệnh lây lan nhanh chóng
vì mầm bệnh nằm trong chuột và bọ chét, những con vật có mặt ở khắp nơi.
Theo ước tính, căn bệnh này có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 40%
dân số trong thành phố Constantiople và 1/4 dân số ở phía Đông Địa Trung
Hải, khiến tổng số nạn nhân lên đến hơn 50 triệu người (chiếm 26% dân
số thế giới).
Dịch bệnh này đã cản trở kế hoạch thống nhất Đế chế
La Mã của Hoàng đế Justinian, đồng thời khiến nền kinh tế của Đế quốc
Byzantine thiệt hại nặng nề.
Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh
khiến nhiều người chết đã tạo ra một bầu không khí tận thế ảm đạm.
Trước sự bất lực và tuyệt vọng, con người đã đặt niềm tin và thần linh,
đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đạo Cơ Đốc giáo phát triển
trong giai đoạn này.
Bệnh phong (thế kỷ XI)
Bệnh phong
(còn gọi là bệnh hủi, cùi hay bệnh Hansen) do vi khuẩn Mycobacterium
leprae gây ra. Vào thời kì trung cổ ở châu Âu, bệnh phong đã trở thành
một đại dịch. Để có thể chữa trị số lượng lớn nạn nhân bị nhiễm bệnh và
tránh sự lây lan, nhiều nơi đã phải xây dựng các bệnh viện đặc trị căn
bệnh này.
Trước kia, người ta cho rằng, căn bệnh này là một hình
phạt từ Chúa giáng xuống các gia đình, bởi bệnh phong là bệnh nan y
(không có thuốc chữa), các triệu chứng của nó khi ở giai đoạn nặng rất
đáng sợ (rụng ngón tay ngón chân, mặt mũi biến dạng). Chính sự mê tín
này đã dẫn đến những đánh giá không đúng về đạo đức của người bệnh. Họ
bị xa lánh, thậm chí còn ngược đãi như thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào
rừng cho thú dữ ǎn thịt.
Ngày nay, tuy có thể chữa khỏi một cách
dễ dàng mà không tốn kém nhiều chi phí nhưng căn bệnh này vẫn khiến hàng
chục ngàn người mắc phải mỗi năm trên toàn thế giới và có thể gây tử
vong nếu không được điều trị bằng kháng sinh.
Cái chết Đen (The Black Plague, năm 1350)
Bức
tranh "Miniature" của hoạ sỹ Pierart dou Tielt miêu tả cảnh người dân ở
Tournai (Bỉ) chôn cất các nạn nhân của dịch bệnh Cái chết đen. (Nguồn:
Wikipedia)
Là nguyên nhân gây ra tử vong của 75 triệu người (1/3
dân số thế giới), lần xuất hiện thứ hai của bệnh dịch hạch được đặt tên
là Cái chết đen này bắt nguồn từ châu Á, sau đó mầm bệnh theo đoàn người
di cư, thương nhân và các đoàn lữ hành về phía Tây rồi lây lan sang
khắp châu Âu và cả châu Phi một cách nhanh chóng.
Trong ba năm
liên tục (1347-1350) số nạn nhân tử vong nhiều đến nỗi người ta không
kịp xử lý các thi thể, khiến chúng bị thối rữa bốc mùi hôi thối. Ước
tính, hơn 25 triệu dân châu Âu đã thiệt mạng trong đại dịch này.
Dịch
bệnh cũng khiến Anh và Pháp tạm thời đình chiến vì không thể kiểm soát
được sự lây lan. Căn bệnh này đã giết chết 1/3 dân số nước Anh, để lại
một sự thiếu hụt nghiêm trọng về lao động nông nghiệp và binh sỹ quân
đội. Người Viking cũng đã mất đi nguồn lực để tham gia cuộc chiến chống
lại dân bản địa, đồng thời, họ cũng phải dừng lại cuộc thám hiểm Bắc Mỹ.
Thời kì trao đổi Columbus (năm 1492)
Người
Tây Ban Nha xuất hiện tại vùng Caribbean đã mang theo những căn bệnh từ
châu Âu như đậu mùa, sởi và nhiều bệnh dịch khác. Vì trước đây chưa
từng mắc những căn bệnh này nên người dân bản địa không có sẵn kháng thể
miễn dịch. Gần 90% dân số ở phía Bắc và Nam vùng Caribbean đã thiệt
mạng bởi các dịch bệnh.
Khi Columbus đặt chân lên hòn đảo
Hispaniola, có khoảng 60.000 người Taino sinh sống tại đây. Đến năm
1548, con số này còn ít hơn 500 người. Một "nạn nhân" khác của các dịch
bệnh là đế chế Aztec. Năm 1520, đế chế này đã bị tận diệt bởi căn bệnh
đậu mùa do lây nhiễm từ những nô lệ châu Phi.
Một nghiên cứu vào
năm 2019 kết luận rằng, khoảng 56 triệu dân châu Mỹ bản địa đã chết vào
thế kỉ thứ XVI - XVII, nguyên nhân chính là do các bệnh dịch hay sự biến
đổi khí hậu do phá rừng.
Vào
thế kỷ XIX, thêm nhiều đại dịch trên thế giới bùng phát tuy không gây
ra tác động lớn đến các nền chính trị, nhưng ghi đậm dấu ấn trong lịch
sử nhân loại bởi ảnh hưởng không nhỏ đến dân số và gây trì trệ nền kinh
tế toàn cầu.
Đại dịch tả lần thứ nhất (năm 1817)
Bức
tranh biếm họa được xuất bản trong trận dịch tả ở London năm 1866. Tác
phẩm này dựa trên giả thuyết của nhà dịch tễ học người Anh John Snow,
người đã liên kết dịch bệnh tả với nước thải thấm vào mạch nước ngầm,
năm 1866. (Nguồn: Environment & Society)
Bệnh tả được ghi
nhận lần đầu tiên trong y học tại danh mục các căn bệnh của bác sỹ người
Hy Lạp cổ đại Hippocrates. Căn bệnh này bắt nguồn vùng châu thổ sông
Hằng, nơi có mật độ dân cư tập trung đông đúc. Năm 1817, đại dịch tả lần
thứ nhất bùng phát bắt nguồn từ Bengal sau đó lan sang Ấn Độ, Trung
Quốc và vùng biển Caspian.
Theo các nhà khoa học, bệnh tả lây qua
đường tiêu hoá, đường nước bị nhiễm bẩn bởi các loại chất thải người
hoặc động vật, và qua thực phẩm bị nhiễm khuẩn tả trong quá trình chế
biến hoặc bảo quản.
Căn bệnh này đã cản trở cuộc hành quân của
tướng Hannibal (nhà chiến thuật quân sự tài ba người Carthage), khi
50.000 binh lính bị mắc bệnh do sử dụng nguồn nước bị nhiễm khuẩn tả.
Năm
1855, lần đầu tiên giới y học đã chế tạo ra vaccine, nhưng kể từ khi ca
bệnh đầu tiên xuất hiện đến nay, loài người vẫn phải trải qua 7 lần đại
dịch tả.
Đại dịch sởi (1848)
Hình minh họa các triệu chứng từ bệnh sởi năm 1822. (Nguồn: Getty Images)
Theo
các tài liệu cổ còn lưu giữ, năm 804 sau Công Nguyên, tại Thành phố
Mashsad, Vương quốc Ba Tư (Iran ngày nay) đã xảy ra một trận đại dịch,
giết chết gần 60.000 người. Lúc bấy giờ, bác sĩ người Ba Tư Rhazes, đã
có những ghi chép sớm nhất về biểu hiện của căn bệnh sởi.
Nhưng
phải đến năm 1757, bác sĩ người Scotland Francis Home mới phát hiện ra
mầm bệnh. Năm 1848, một đợt bùng phát sởi ở Hawaii đã giết chết 1/3 số
người sống trên đảo. Năm 1875, dịch sởi xảy ra ở đảo quốc Fiji đã quét
sạch 40.000 người (khoảng 1/3 dân số) chỉ trong 4 tháng.
Năm
1916, căn bệnh này xuất hiện trở lại ở Pháp, khiến 12.000 người chết
(phần lớn là trẻ em). Cũng khoảng thời gian này, trong suốt cuộc Chiến
tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), khoảng 48.000 binh lính của cả
hai phía Đồng minh và Đức bị chết vì các biến chứng của sởi.
Năm 1951, dịch sởi lại tiếp tục tấn công đảo Greenland (Đan Mạch), khiến 4.262 cư dân (chiếm 99,9% dân số) bị nhiễm bệnh.
Mãi
đến năm 1963, y học mới tìm ra vaccine ngừa sởi. Trong suốt thời gian
đó, ước lượng đã có 249 triệu người trên toàn thế giới chết vì căn bệnh
này.
Sau gần nhiều năm công bố loại trừ bệnh sởi, thế giới lại
ghi nhận các ổ dịch sởi ở một số nơi như Mỹ, châu Âu, Philippines...
trong năm 2019.
Đại dịch hạch lần thứ 3 (1855)
Bên trong các trại cách ly bệnh dịch hạch ở Karachi. (Nguồn: Crassh)
Năm
541 (sau CN) đại dịch hạch lần đầu tiên xuất hiện với tên gọi
"Justinian". Đến năm 1350, căn bệnh bùng phát lần hai với tên gọi "Cái
chết đen". Năm 1855, một lần nữa, căn bệnh này xuất hiện và cướp đi sinh
mạng của ít nhất 15 triệu người trên toàn thế giới. Riêng tại Ấn Độ,
căn bệnh này đã khiến 10 triệu người tử vong.
Nguyên nhân ban đầu
được xác định do mầm bệnh ký sinh trên chuột và bọ chét ở vùng Vân Nam
(Trung Quốc), sau đó bùng phát ra nhiều nơi của nước này và lan sang Ấn
Độ.
Đại dịch này được cho là một trong nhưng nguyên nhân gây nên
các cuộc nổi dậy Panthay (1856–1873) và Taiping (1850-1864) chống lại sự
cai trị của triều đình Mãn Thanh, hay cuộc nổi dậy chống lại sự đàn áp
của người Anh ở Ấn Độ.
Năm 1960, đại dịch này mới được xem là kết thúc, khi các ca nhiễm bệnh chỉ còn dưới vài trăm.
Cúm Nga (1889)
Tờ
Le Petit Parisien đã đăng hình minh hoạ tình dịch cúm Nga tại Paris
(Pháp) trên ấn bản ra ngày12/1/1890. (Nguồn: Circulating Now)
Dịch
cúm này bắt nguồn từ Siberia và Kazakhstan, sau đó lây lan vào Nga,
Phần Lan, Ba Lan và khắp châu Âu, sau đó, tiếp tục lây lan về phía Tây,
đến khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Ấn Độ, Australia... Tính đến cuối năm
1890, dịch bệnh này đã giết chết khoảng một triệu người.
Cho đến
gần đây, các nhà khoa học mới tìm ra được nguyên nhân của dịch bệnh này
có thể do các chủng H3N8 và H2N2 của virus cúm A.
Cúm Tây Ban Nha (1918)
Những
người lính từ Fort Riley (Kansas, Mỹ) được điều trị bệnh cúm Tây Ban
Nha tại một bệnh viện ở Camp Funston. (Nguồn: Wikipedia)
Cúm Tây
Ban Nha được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó lây lan do những
người lao động nước này di cư đến Bắc Mỹ và châu Âu.
Chỉ trong
vòng 18 tháng, căn bệnh này đã lan rộng và trở thành đại dịch toàn cầu,
khoảng 500 triệu người (1/3 dân số thế giới vào thời điểm đó) bị lây
nhiễm và 50 triệu người tử vong (nhiều hơn số người chết trong Thế chiến
thứ nhất).
Theo các nghiên cứu, dịch bệnh này bùng phát mạnh
nhất ở Madrid, Tây Ban Nha vào mùa Xuân năm 1918, bởi thế, nó được đặt
tên là Đại dịch cúm Tây Ban Nha.
Cúm châu Á (1956)
Các bệnh nhân mắc bệnh cúm châu Á tại một bênh viện ở Thuỵ Điển năm 1957. (Nguồn: Alamy)
Cúm châu Á là đại dịch cúm A của chủng virus H2N2 có nguồn gốc từ Trung Quốc vào những năm 1956 - 1958.
Tháng
6/1957, đại dịch này đã càn quét nước Mỹ, gây ra cái chết của hơn
69.800 người dân sở tại. Theo báo cáo ở Anh và xứ Wales, đại dịch cũng
đã lan đến Vương quốc Anh, khiến khoảng 3.550 người tử vong.
Theo
số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 2 triệu người trên thế
giới đã thiệt mạng do đại dịch này. Sau này, các nhà khoa học đã tìm ra
một loại vaccine có thể ngăn ngừa chủng virus gây bệnh.
Đại dịch HIV / AIDS (1981)
HIV/AIDS
là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất mà nhân loại phải đối mặt
trong nhiều năm gần đây. (Nguồn: Sở Y tế Công cộng Quận Seattle-King)
HIV
là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người, lần đầu được phát
hiện tại Cộng hòa Congo năm 1976. Dịch bệnh bùng phát từ đầu thập niên
1980.
Nếu không có hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, những người
bị HIV/AIDS sẽ dễ dàng mắc phải các bệnh khác, gây nhiễm trùng, dẫn đến
tử vong. Virus lây lan qua đường máu và quan hệ tình dục.
HIV/AIDS
vẫn là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất mà nhân loại phải đối
mặt trong nhiều năm gần đây. Tính đến đầu những năm 2000, có gần 35
triệu người tử vong trong số 65 triệu người nhiễm bệnh.
Cho đến
nay, các phương pháp điều trị đã được phát triển để làm chậm tiến triển
của căn bệnh này. Các biện pháp phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS đều đã
được cải thiện. Tuy nhiên, theo số liệu cuả Liên hợp quốc, đến cuối năm
2018, vẫn còn khoảng 37,9 triệu người nhiễm HIV/AIDS, trong số đó, 24,5
triệu người đã và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus.Bs Trần Mừng (tổng hợp) - 0938999126
theo History, MPHonline