Nhổ răng khôn có đau không?
Răng khôn thường bị mọc kẹt, ngầm, ngang và nằm ở trong góc của hàm. Với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại và nếu gặp được bác sĩ tâm lý thì việc nhổ răng khôn diễn ra khá nhẹ nhàng chứ không đến mức "ám ảnh" như hầu hết mọi người đang lo sợRăng khôn hay còn gọi là răng số 8, răng cối lớn thứ ba, nằm tận cùng trong góc hàm. Răng bắt đầu mọc lên trong độ tuổi từ 18 đến 25. Do mọc sau cùng nên răng khôn, đặc biệt là răng khôn hàm dưới, thường bị thiếu chỗ làm răng mọc lệch lạc không đúng vị trí, răng bị kẹt không thể mọc lên hoàn toàn hoặc ngầm trong xương hàm.
Những răng khôn mọc lệch không được giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến răng bên cạnh nó: làm sâu và "tàn phá" răng số 7, làm xô lệch các răng phía trước, ngoài ra tự thân nó vì rất khó vệ sinh nên lâu ngày cũng sẽ bị sâu, nhiễm trùng nướu và gây đau.
Khi răng khôn bị sâu thì thường chỉ định nhổ bỏ chứ ít trường hợp chỉ định giữ lại để điều trị (ngoại trừ những trường hợp cần thiết, như giữ lại để làm trụ cầu trong quá trình phục hình cầu răng sứ), bởi vì cấu tạo của răng khôn khá phức tạp (chân răng và ống tủy có nhiều hình dạng khó kiểm soát)
Kỹ thuật ngày càng hiện đại với máy móc tối tân và thuốc tê hiệu quả nên việc nhổ - tiểu phẫu răng khôn hiện nay được thực hiện khá nhẹ nhàng. Nếu gặp được bác sĩ "tâm lý" thì việc nhổ răng khôn sẽ là một trải nghiệm không đến mức "ám ảnh" như nhiều người vẫn tưởng.
Quy trình nhổ răng khôn được thực hiện như sau:
Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê bôi, bôi lên chỗ vùng chuẩn bị thực hiện chích. Sau khoảng 10 giây thì phần niêm mạc được bôi tê đó sẽ mất cảm giác. Lúc này bác sĩ sẽ nhẹ nhàng "đâm kim" vào vùng đó. Thuốc tê sẽ từ từ được thẩm thấu xuống niêm mạc nông. Bác sĩ tiếp tục nhẹ nhàng đâm kim xuống sâu hơn. Thuốc tê sẽ dần lan tỏa theo đầu kim nên cảm giác đau của bệnh nhân gần như không có hoặc nếu có thì rất ít.
Một bác sĩ "tâm lý" sẽ vừa chích vừa có thể "đánh lạc hướng" bệnh nhân bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng. Cảm giác đau của bệnh nhân nếu có thì chủ yếu là do "ám thị" đến từ nỗi ám ảnh lúc đó.
Đây là tâm lý rất bình thường đối với hầu hết mọi người. Rất nhiều người từng cho biết: bác sĩ nhẹ tay thôi ạ, em gì cũng không sợ, chỉ sợ nhất chích kim. Có nhiều người "toát mồ hôi" hoặc "lạnh người" vào thời điểm ấy.
Người phụ tá nhiều khi cũng đóng vai trò "trấn an tâm lý" rất hiệu quả vào lúc này. Phụ tá có thể cầm tay bệnh nhân hoặc có những "vỗ về" nhẹ nhẹ để giây phút chích thuốc tê đó không "kéo dài" vô tận đối với bệnh nhân.
Sau khi thuốc tê được chích xong thì 1/2 hàm của bệnh nhân đã được kiểm soát. Không những chỉ vùng răng, nướu mà cả môi hay thậm chí cả lưỡi cũng sẽ tê. Hiệu quả của thuốc tê sẽ kéo dài khoảng 2 tiếng - dư thời gian để cho bác sĩ thực hiện những thủ thuật tiếp theo, vì thời gian để tiểu phẫu chỉ diễn ra từ 15 đến 30 phút. Cá biệt với những răng khó thì kéo dài khoảng 1 tiếng.
Hiện nay, ngoài kềm và nạy là hai dụng cụ chính được sử dụng trong việc nhổ răng thì các phòng nha hiện đại còn được trang bị "máy nhổ răng bằng sóng siêu âm"
Đây là một loại máy khá "kỳ diệu" đối với bác sĩ. Tần số siêu âm của máy tạo ra sẽ "phá vỡ" cấu trúc của xương ổ răng một cách rất nhẹ nhàng. Từ đó, việc lấy răng ra khỏi xương ổ răng chỉ còn là một thao tác đơn giản.
Vì răng khôn thường mọc nghiêng, mọc lệch, nằm kẹt trong góc xương hàm nên bác sĩ sẽ phải "cắt" răng khôn ra làm nhiều phần nhỏ để có thể gắp từng mảnh này ra dễ dàng hơn.
Bác sĩ thực hiện động tác càng nhẹ nhàng thì sự tổn thương gây ra đối với xương ổ răng càng ít, và đây là tiền đề cho việc "đau nhiều" hay "đau ít" sau khi nhổ.
Nhổ răng nhẹ nhàng không chấn thương, kết hợp với thuốc uống sau đó sẽ giúp bệnh nhân có thể "kiểm soát" được cơn đau một cách khá thoải mái.
Và đây là những dặn dò của bác sĩ với bệnh nhân sau khi nhổ:
Cắn chặt gòn từ 30 phút đến 1 tiếng rồi nhả ra
Không khạc nhổ nước bọt suốt buổi, không súc miệng nhất là với nước muối.
Ngày đầu đắp nước đá ngoài môi hoặc má tương ứng với vùng nhổ răng
Các ngày tiếp theo đắp khăn ấm để tan máu tụ và giảm sưng
Có thể có vết bầm ở môi hay má
Sưng lớn nhất vào ngày thứ hai rồi giảm dần
Không chùi màng trắng nơi vết thương, ngày hôm sau đánh răng bình thường
Uống thuốc theo toa bác sĩ
Ăn uống bình thường, tránh nhai mạnh ở vùng nhổ răng
Một tuần trở lại cắt chỉ (nếu có khâu)
Nếu có bất thường như chảy máu nhiều, sưng lớn, đau kéo dài,... vui lòng tái khám hoặc gọi điện thoại ngay cho phòng mạch