Ở Sài Gòn, vào mỗi cuối tuần có một lớp dạy vẽ vô cùng đặc biệt - một lớp học không thu học phí, không tiếng giảng bài và chẳng có lời trò chuyện râm ran của học trò, thầy và trò giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ hình thể và thứ âm thanh duy nhất luôn tràn ngập trong căn phòng đó là âm thanh của sắc màu.
"Người
khiếm thính thì làm gì có âm thanh. Mình giảng dạy có bạn không thể
nghe, có bạn nói bằng ký hiệu ngôn ngữ đôi khi mình không thể hiểu.
Nhưng thật đặc biệt là thầy và trò có một sự đồng cảm với nhau qua hội
hoạ. Bạn biết không, màu sắc là một loại âm thanh, nó giúp người ta trải
lòng hết những điều không thể nói thành lời" - hoạ sĩ Bích Ngân hạnh
phúc khi kể về lớp học nhỏ của mình.
Lớp học nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm.
Khởi
đầu từ tháng 3/2017 lớp dạy vẽ miễn phí của câu lạc bộ Mekong ban đầu
chỉ có vài thành viên là người khiếm thính, đến nay lớp đã có hơn 20
thành viên từ nhiều tỉnh thành và độ tuổi khác nhau, có bạn trẻ nhất chỉ
mới 17 tuổi, và cũng có học viên đã sắp sửa bước qua tuổi 65.
Hoạ
Sĩ Văn Y tâm sự: "Trước đây chúng tôi có dịp nhìn thấy các em múa ký
hiệu ở nơi công cộng để nhờ sự trợ giúp của mọi người. Tôi thấy xúc động
quá. Tôi nghĩ phải làm điều gì đó. Thật may mắn là các em biết đọc,
biết viết, nên tôi mới gợi ý các em có thích học vẽ không? Nếu thích thì
theo thầy về xưởng thầy huấn luyện cho".
Hoạ sĩ Văn Y trực tiếp giảng dạy các học viên khiếm thính.
Rào
cản lớn nhất là sự giao tiếp, thầy trò giao tiếp với nhau bằng bút
giấy. Thầy muốn giảng điều gì thì viết lên bảng, trò muốn hỏi điều gì
thì ghi ra giấy. Dần dần các thầy cô cũng cố gắng học ngôn ngữ ký hiệu
để có thể dễ dàng truyền đạt kiến thức cho học trò.
Cô Bích Ngân
bảo: "Cuộc đời này công bằng lắm bạn. Ông trời không lấy đi của ai tất
cả, nếu ông lấy đi của một người nào đó âm thanh, tiếng nói, thì sẽ trả
lại cho họ một thứ khác, mà đối với các bạn ở đây đó chính là năng khiếu
về màu sắc". Sự tiến bộ và sáng tạo của các bạn khiếm thính cứ mỗi bạn
lại đưa thầy cô đến những bất ngờ khác nhau. Cô Bích Ngân cười bảo:
"Nhiều người lành lặn đôi khi còn không thể vẽ đẹp được như thế!".
Các bạn rất có năng khiếu trong hội hoạ
Cơ
hội nghề nghiệp đối với người khuyết tật nói chung và người khiếm thính
nói riêng là không nhiều. Họ chỉ được nhận vào làm những công việc chân
tay hay đồ mỹ nghệ với mức lương rất thấp và hầu như đều mang trong
mình sự tự ti mặc cảm.
Cô Ngân thật lòng bảo: "Mục đích ban đầu
của thầy cô là mong muốn dạy cho các em có một nghề, không hy vọng có
thể giúp các em giàu có nhưng ít nhất cũng giúp các em tự tin hơn, xoá
bỏ những mặc cảm rằng mình là gánh nặng của xã hội". Cũng vì lẽ đó mà dù
gặp không ít khó khăn trong việc duy trì lớp nhưng thầy Văn Y và cô
Bích Ngân vẫn nỗ lực để học trò có môi trường học tốt nhất.
Họa sĩ Bích Ngân là một trong những hoạ sĩ gắn bó với lớp từ những ngày đầu.
"Mở
ra lớp thì dễ, nhưng duy trì được thì khó vô cùng. Nói thật ra thầy cô
cũng không giàu có gì, nhiều khi cũng chạy vạy để có kinh phí mua màu,
mua cọ, rồi tiền ăn uống sinh hoạt, hay tổ chức đi sáng tác" - dạy học
không lương, phải tự bỏ tiền túi ra để duy trì lớp học, đôi lúc gặp vô
vàn khó khăn nhưng với thầy Văn Y và cô Bích Ngân chưa bao giờ từ bỏ
lớp, niềm vui lớn nhất của họ là được nhìn thấy học trò trưởng thành qua
từng ngày, biết yêu thương nhau.
Đặc biệt sự yêu
thích hội hoạ của các bạn khiếm thích cũng là động lực để thầy cô nỗ lực
với công việc ý nghĩa của mình. Nhi - cô học trò ở Long An đã lấy dao
cắt cổ tay khi bố mẹ không đồng ý cho cô theo lớp học vẽ. Bố mẹ của Nhi
lo lắng khi cô phải đi một quảng đường xa từ Long An lên Sài Gòn để học,
chưa kể cô không nghe và không nói được thì làm sao tự bảo vệ được
mình. Dẫu vậy với sự quyết tâm của mình Nhi đã thuyết phục được gia đình
để cô theo nghề vẽ.
Sự đam mê của học trò truyền cảm hứng cho thầy cô tiếp tục công việc của mình.
Thật
may mắn là nỗ lực của thầy cô và các học viên đã được đền đáp xứng
đáng. Năm 2018, Hội Mỹ thuật TP.HCM đã chính thức công nhận họ là những
"Họa sĩ khuyết tật điếc câm ", đồng thời các bạn câm điếc đã bán được
tranh để nuôi sống mình.
Học viên Gia Huy chia sẻ (bằng ngôn ngữ
ký hiệu): "Trước đây tôi chưa từng nghĩ mình có thể vẽ được những bức
tranh như thế này. Sau khi tôi được học vẽ và sự dạy dỗ tận tình của
thầy, nay tôi rất tự hào về tranh vẽ của tôi, tuy chưa thật xuất sắc
nhưng cũng đủ để tôi truyền đạt lời nói của mình qua tranh vẽ".
Nhiều
tác phẩm đẹp của học viên được công chúng đón nhận, thu nhập của các
bạn cũng tốt hơn. Tuy nhiên với thầy cô, tiền bạc không phải là mục đích
cuối cùng của lớp vẽ.
"Mục đích ban đầu là giúp các em có thể tự
tin, vượt qua mặc cảm về sự khiếm khuyết, thì giờ đây các em đã rất tự
tin vào bản thân, không còn là gánh nặng của xã hội, mà còn làm đẹp cho
đời. Cô với thầy nghĩ rằng ngoài dạy nghề còn phải dạy các em một nhân
cách sống" - thầy Văn Y tâm sự.
Nhiều tác phẩm đẹp được công chúng đón nhận.
Chính
vì vậy tiền bán tranh sẽ dùng 50% gởi cho các học viên, 25% dùng để duy
trì lớp, và trích 25% để chia sẻ cho những người khuyết tật có hoàn
cảnh khó khăn hơn . "Ban đầu các em không thoả lòng, vì các em nghĩ bản
thân mình cũng là người khuyết tật, người kém may mắn tại sao xã hội
không chia sẻ với mình mà mình phải đi làm việc đó" - cô Bích Ngân lý
giải.
Cô nói tiếp: "Mong muốn cho các em biết thêm về những hoàn
cảnh khác nữa, nên cô mới liên hệ với hội người mù ở Phan Thiết và xin
phép cho các em khiếm thính trực tiếp trao quà cho các em khiếm thị. Khi
họ nắm tay nhau, nói không nghe, nhìn không thấy nhưng trái tim họ cảm
nhận được".
Các thành viên của lớp gặp gỡ và chia sẻ với bệnh nhân ở trại phong Di Linh.
Từ
sau buổi gặp gỡ hôm ấy, các bạn học viên thay đổi rất nhiều trong cách
suy nghĩ. Họ hiểu rằng chí ít mình còn may mắn có chân để chạy nhảy, có
tay để vẽ, có mắt để ngắm nhìn thế giới bao la và vô tư cười đùa với bè
bạn. Mất âm thanh, tiếng nói không có nghĩa là mất tất cả.
Cô
Bích Ngân thật lòng chia sẻ: " Các em nhận được sự giúp đỡ của thầy cô
thì phải học cách sẻ chia với người khác. Mình đón nhận rồi mình trao
đi, cuộc sống là như vậy!".
Như một câu hát mà cố nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn đã viết: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để
làm gì em biết không? Để gió cuốn đi..."
Theo Lặng nhìn cuộc sống
Xem tất cả video. |
|