Ở các nước phát triển, theo điều tra có đến 10% dân số mắc loạn năng khớp thái dương hàm. Bệnh hay gặp ở nữ giới, lứa tuổi thanh niên và trung niên. Đây là một bệnh lý gây đau và rối loạn vận động quai hàm có nguồn gốc từ những rối loạn của hàm răng.
Đầu tiên, bệnh gây đau các cơ vận động hàm (còn gọi là cơ nhai), sau đó gây tổn thương khớp thái dương hàm, làm nhuyễn sụn khớp, sau đó là thoái hóa và có thể dẫn đến dính khớp thái dương hàm.
Những hậu quả này khiến người bệnh ban đầu có cảm giác mỏi, vướng khi nhai, sau đó là đau khi nhai rồi cả khi không nhai. Thậm chí người bệnh có thể bị đau cả khớp thái dương hàm và toàn đầu.
Tuy nhiên những triệu chứng này tiến triển chậm, sau vài ngày đến vài tuần là hết nên hầu như không bệnh nhân nào để ý. Yếu tố tâm lý khiến bệnh nặng thêm
Sự xuất hiện của loạn năng khớp thái dương hàm thường có sự kết hợp của nhiều yếu tố: Yếu tố tại chỗ là nguyên nhân quan trọng nhất gây khởi phát bệnh; Yếu tố tâm lý và toàn thân tạo điều kiện và cần thiết cho yếu tố tại chỗ gây bộc phát bệnh, khiến bệnh ngày càng nặng thêm.
Yếu tố tại chỗ là do rối loạn khớp cắn răng sang chấn bộ máy nhai hoặc làm việc nhiều trong tư thế không tốt. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường mắc các yếu tố tâm lý như lo lắng, mất ăn, mất ngủ, và điều này khiến bệnh càng nặng thêm.
Trong một số trường hợp, bệnh có thể xuất hiện do các yếu tố rối loạn chuyển hóa hay nội tiết, thậm chí là do lứa tuổi. Đây là những nguyên nhân rất khó xác định. Nói chung khoảng 20% loạn năng khớp thái dương hàm không tìm ra nguyên nhân và được xếp vào loại "không có nguyên nhân".
Có thể phải phẫu thuật
Một căn bệnh tưởng chừng đơn giản và vô hại, nhưng nếu để tình trạng loạn năng nặng thì bạn có thể sẽ phải chịu đựng một ca phẫu thuật để điều trị triệt để. Thường thì có 2 phương án, đó là điều trị không phẫu thuật và điều trị bằng phẫu thuật.
Nếu không phẫu thuật có thể dùng các phương pháp như nhổ chân răng, hàn răng, mài chỉnh răng, làm răng giả, nắn hàm... Kết hợp phải dùng các biện pháp điều trị toàn thân - tâm lý góp phần cải thiện, thậm chí làm lành loạn năng khớp thái dương hàm: ăn thức ăn mềm, xoa bóp vùng quanh quai hàm, lý liệu pháp, dùng các thuốc giảm đau, an thần,...
Những trường hợp nặng, tổn thương khó hồi phục, điều trị bằng các phương pháp trên không có kết quả thì phải điều trị phẫu thuật.
Khi bạn có triệu chứng đau mỏi vùng khớp thái dương hàm nhất là khi đau tiến triển chậm, lặp đi lặp lại thì nên đến ngay trung tâm răng hàm mặt chuyên sâu để có chẩn đoán chính xác từ đó tìm biện pháp điều trị thích hợp.