https://bacsynhakhoa.vn/img/logo-galaxy-dental.png
GALAXY DENTAL CLINIC | Nha khoa thẩm mỹ Ngân Hà - Địa chỉ: Sô 6 Hoa Phượng, P2, Quận Phú Nhuận, TP HCM - fb/galaxydentalvn - Hotline: 0938 999 126 - Bs Trần Mừng
 

Hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân chỉnh nha


Thức ăn rất dễ bị mắc lại bên dưới dây cung, và vì vậy tạo điều kiện thuận lợi để hình thành mảng bám. Nếu mảng bám không được loại bỏ hoàn toàn khỏi bề mặt răng và xung quanh mắc cài, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị viêm lợi, sâu răng và hôi miệng. Vi khuẩn trong mảng bám hấp thu đường và chuyển hóa thành acid. Acid có thể kích thích lợi, gây sâu răng và hôi miệng.

Việc lấy sạch mảng bám thường xuyên là rất quan trọng. Có vậy, sau khi hoàn tất quá trình chỉnh nha, bề mặt răng bên dưới mắc cài mới được khỏe mạnh và bóng đẹp. Dưới đây là một số bí quyết sẽ giúp bạn giữ vệ sinh răng miệng tốt trong quá trình đeo mắc cài.

Chải răng

Bạn nên sử dụng bàn chải với lông bàn chải mềm vì nó dễ chui vào các góc và kẽ cũng như không gây tổn thương lợi.

Có một số loại bàn chải đặc biệt dành cho bệnh nhân mang mắc cài. Ví dụ như bàn chải bi-level (bàn chải hai nấc) có phần lông bàn chải ở hai đầu thì dài hơn còn lông bàn chải ở giữa thì ngắn hơn. Loại bàn chải này giúp bệnh nhân có thể chải sạch cả phần răng trên và dưới mắc cài cũng như mặt ngoài mắc cài.


Một câu hỏi hay được đặt ra là dùng bàn chải máy có tốt hơn không? Thực ra, không cần thiết phải dùng bàn chải máy nhưng nếu bạn có thì vẫn có thể sử dụng nó để chải trên mắc cài. Chỉ cần lưu ý không đập phần nhựa ở phía sau bàn chải vào phần mũ mắc cài vì nó có thể gây hại cho mắc cài. Ngoài ra, nên dùng ở tốc độ quay vừa phải để tránh làm hỏng hay rơi mắc cài.

Chải răng ít nhất ba lần một ngày. Tốt nhất là chải răng sau tất cả các bữa ăn để đảm bảo không có thức ăn mắc lại xung quanh mắc cài. Nếu bạn không có điều kiện chải răng sau bữa trưa thì ít nhất cũng phải súc miệng thật kỹ với nước.

Đặt bàn chải không phải trên bề mặt mắc cài mà trên phần răng tiếp giáp với lợi, xoay tròn những vòng nhỏ. Bạn có thể đẩy lông bàn chải luồn bên dưới dây thép ở phía trên và phía dưới mắt cài để lấy di thức ăn và mảng bám bên dưới dây thép. 

Bạn phải chắc rằng lông bàn chải phải tựa lên lợi và răng. Nếu bạn tựa bàn chải lên dây cung môi thì bàn chải ở cách xa nướu và việc chải răng sẽ không hiệu quả.

Vào buổi tối, hay bất cứ lúc nào bạn có thời gian, bạn nên bỏ ra ít nhất 5 phút để chải răng thật kỹ. Bắt đầu với bàn chải kẽ răng, rất hiệu quả để lấy đi một lượng lớn mảnh vụn thức ăn, dụng cụ này cũng cần dùng hằng ngày để lấy đi mảng bám trên răng và nướu. 

Bẻ gập phần dây thép của bàn chải tạo góc thích hợp. Đưa bàn chải luồn bên dưới dây cung môi, hướng từ lợi về phía cạnh cắn, chải chậm rãi, 15 lần, từ mắt cài này đến mắt cài khác. Sau khi dùng bàn chải kẽ cho mỗi mắt cài, dùng bàn chải thông thường theo cách đã hướng dẫn ở trên.


Tháng đầu tiên, bạn nên kiểm tra lại hiệu quả của việc chải răng trong vòng 1 tuần bằng viên nhuộm màu mảng bám. Những viên thuốc này sẽ làm mảng bám nhuộm màu hồng. 

Cách sử dụng thuốc nhuộm mảng bám:      

Chải răng như bình thường.      

Súc cho sạch kem đánh răng, nhai 1 viên. Thuốc có mùi hơi khó chịu, nhưng bạn phải giúp thuốc luân chuyển mọi chỗ để thuốc nhuộm hết mọi vị trí trong miệng.     

Nhổ thuốc ra, súc miệng với nước thường, 2 lần. 

Dễ nhận ra những chỗ có mảng màu hồng, đó là khu vực bạn đã bỏ sót khi chải răng. Chú ý chải kỹ những chỗ này khi chải răng lần sau, kiểm tra lần nữa hiệu quả chải răng vào tuần tiếp theo.

Bàn chải đáng răng của bạn sẽ hư nhanh chóng vì mắt cài, do đó bạn cần thay bàn chải ngay khi nó bị xơ tua.

Dùng chỉ tơ nha khoa

Sử dụng chỉ tơ ít nhất một lần một ngày, tốt nhất là dùng chỉ tơ sau tất cả các bữa ăn. Khi bạn mang mắc cài thì sẽ khó để luồn được chỉ dưới dây cung nhưng đã có các dụng cụ đặc biệt để hỗ trợ luồn chỉ. Đó là cây luồn chỉ (floss threader) và một loại chỉ tơ đặc biệt. 

Khi bạn mới được gắn mắc cài, nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật làm sạch răng bằng chỉ tơ nha khoa. Nếu bạn không chắc chắn cách sử dụng chỉ tơ của mình đã chính xác hay chưa, hay hỏi nha sĩ vào lần hẹn tiếp theo. 

Fluoride


Luôn sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride. Nha sĩ có thể sẽ khuyên bạn dùng thêm các nước súc miệng có chứa fluoride thông thường. Chúng sẽ cung cấp fluoride để bảo vệ và làm răng cứng chắc trong suốt quá trình chỉnh nha. 

Tuy nhiên nếu bạn có tiền sử sâu răng hoặc có các yếu tố nguy cơ cao gây sâu răng khác, nha sĩ có thể kê đơn cho bạn loại nước súc miệng có chứa nhiều fluoride hơn. Bạn nên dùng nước súc miệng fluoride mỗi tuần. Sau khi chải răng, súc sạch kem đánh răng, ngậm 5-10ml dung dịch FluorCare 30 giây, sau đó nhả thuốc, để lại phần thuốc còn bám lại ít nhất 30 phút. Tốt nhất nên thực hiện trước khi đi ngủ để fluor tiếp tục tác dụng suốt cả đêm. Một gợi ý có ích là bạn làm việc này vào cùng một đêm mỗi tuần. 

Đêm chủ nhật có thể là đêm fluor. 

Một số biện pháp khác được thực hiện ở phòng khám như dùng gel hay verni fluoride có thể sẽ được nha sĩ tiến hành trong các lần hẹn nếu bạn thuộc nhóm có tiền sử sâu răng.


Các dụng cụ hỗ trợ đặc biệt 

Bàn chải kẽ

Loại bàn chải này chỉ có một hay hai cụm lông nhỏ ở đầu nhờ đó dễ dàng làm sạch các khe, rãnh cũng như phần kẽ giữa các răng.

Tăm nước 

Thiết bị này bắn vào răng một tia nước nhỏ với áp lực cao để làm sạch các mảnh thức ăn. Bạn có thể dùng tăm nước trước khi chải răng để làm sạch cá mảnh thức ăn tuy nhiên nó không thể thay thế cho chải răng và chỉ tơ. Nên dùng áp lực phun nước trung bình để tránh làm hỏng mắc cài.

Nước súc miệng sát khuẩn

Các loại nước súc miệng sát khuẩn thường chứa lượng cồn cao vì vậy hạn chế sử dụng ở trẻ em. Trẻ em có thể dùng các loại nước súc miệng không chứa cồn, tuy nhiên những loại này đôi khi chỉ giúp làm thơm miệng mà không diệt vi khuẩn. Vì vậy, trước khi mua nước súc miệng cho trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ xem nên sử dụng loại nào.Viên hoặc dung dịch chỉ thị màu 

Nha sĩ có thể sử dụng các chất nhuộm màu thực vật để phát hiện các vị trí bạn thường bỏ sót trong quá trình chải răng. Việc nhìn thấy những vị trí chưa chải sạch giúp bạn dễ dàng loại bỏ chúng. Bạn có thể mua ở hiệu thuốc hoặc lấy từ nha sĩ để sử dụng tại nhà. 

Máng bảo vệ

Nếu chơi thể thao,  bạn có thể làm thêm một máng bảo vệ. Nó có thể bảo vệ má, môi tránh bị tổn thương do khí cụ khi bạn bị va chạm vào mặt.

Bảo quản hàm duy trì và các khí cụ chỉnh nha tháo lắp 

Nếu bạn có hàm duy trì sau chỉnh nha hay bất kỳ khí cụ chỉnh nha tháo lắp nào thì chúng cũng cần được vệ sinh sạch thường xuyên.Chải sạch khí cụ hàng ngày bằng bàn chải đánh răng và có thể sử dụng thêm kem đánh răng. 

Đặc biệt chú ý làm sạch mặt khí cụ mà tiếp xúc với răng và niêm mạc miệng. Nên chải khí cụ dưới vòi nước chảy và bên dưới có hứng chậu nước. Như vậy, dù bạn có trượt tay làm rơi hàm thì chúng cũng không bị gãy. Cũng có thể ngâm hàm trong dung dịch sát khuẩn loại chuyên dùng cho hàm giả. 

Nên hỏi ý kiến nha sĩ về loại dung dịch sát khuẩn bạn dùng trước khi định ngâm khí cụ vì một số dung dịch có thể làm mòn dây cung hay các vùng có kim loại của khí cụ.

Không được sử dụng nước nóng để ngâm rửa hàm. Nó có thể làm biến dạng nhựa và do đó bạn không thể đeo được khí cụ nữa. Khi không đeo hàm nên giữ chúng trong một hộp bảo quản. Không nên gói hàm lại vì có thể bị nhầm là rác và vứt đi. Để hàm tránh xa các thú nuôi vì chó mèo thích nhựa và chúng có thể nhai hàm.

Ăn uống đúng cách 


Khi đang mang mắc cài, bạn nên cân nhắc trước khi ăn các thức ăn có nguy cơ gây sâu răng cao. Cũng nên tránh các thức ăn có thể làm hỏng mắc cài và dây cung. Thường xuyên bị bong mắc cài có thể kéo dài thời gian điều trị của bạn.

Nên tránh các thức ăn cứng và dính như caramel, kẹo cứng, kẹo cao su,… Chúng có thể gây bong mắc cài và chui vào dưới dây cung và các gờ của mắc cài. Khi dính ở đó, chúng sẽ cung cấp chất đường cho vi khuẩn và gây ra sâu răng. Bạn cũng không nên nhai đá viên. 

Giảm lượng tiêu thụ tất cả các loại thức ăn chứa đường. Bạn vẫn có thể dùng một lượng nhất định đồ ngọt và soda nhưng nên nhớ rằng, bạn càng ăn nhiều đường thì nguy cơ sâu răng của bạn càng cao. Luôn nhớ chải răng sau khi ăn đồ ăn chứa đường và kẹo ngọt.

Không chỉ quan tâm đến việc bạn ăn gì mà còn phải chú ý đến việc bạn ăn vào lúc nào. Thường xuyên ăn vặt bằng các đồ ăn chứa đường tệ hơn là ăn các đồ ăn đó vào bữa ăn chính. Không ăn các đồ ăn chứa nhiều đường trước khi đi ngủ mà không đánh răng lại. Bạn càng để cho vi khuẩn có cơ hồi chuyển hóa đường thành acid thì bạn càng dễ bị sâu răng.


Khám răng định kỳ 

Cùng với các cuộc hẹn định kỳ với bác sĩ chỉnh nha bạn cũng nên đến khám nha sĩ định kỳ để kiểm tra và làm sạch răng mỗi năm hai lần hoặc thường xuyên hơn nếu bác sĩ chỉnh nha của bạn đưa ra chỉ định.

Tóm lại, giữ vệ sinh răng miệng tốt là rất quan trọng trong quá trình chỉnh nha. Đừng ngại tham khảo ý kiến nha sĩ của bạn khi có bất kỳ thắc mắc nào để có thể vệ sinh răng miệng thật hiệu quả. 
Bs Trần Mừng - 0938999126
https://bacsynhakhoa.vn/img/logo-galaxy-dental.png
© Copyright 2010 By bacsynhakhoa.vn - Trao kiến thức - Nhận nụ cười
Kênh thông tin tổng hợp của Trung tâm Nha khoa Kỹ thuật Cao NGÂN HÀ - GALAXY DENTAL CLINIC
Fanpage: f/galaxydentalvn - Hotline: 0938 999 126 Bs Mừng


THIẾT KẾ BỞI MỸÝ - WWW.MYY.VN